Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của BCH TW Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Lượt xem: 3026

Đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Đảng, đồng thời là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của cả dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết dân tộc là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tạo được sự chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hoá; giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh ở cơ sở; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Trong 20 năm (2003-2022), thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết dân tộc đã tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh trên nhiều lĩnh vực, tình hình kinh tế tăng trưởng khá, sản xuất, kinh doanh phát triển tương đối mạnh; văn hóa xã hội có nhiểu chuyển biến, đời sống vật chất tinh thần được cải thiện, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 2 nghìn tỷ đồng, tăng 14 lần so với năm 2003; GDP bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm, tăng 7 lần so với năm 2003; toàn tỉnh có 3.096 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 87,3% so với năm 2003; năm 2021 giá trị sản xuất công ngiệp đạt 5.300 tỷ đồng, tăng 184 lần so với năm 2003, mức tăng trưởng bình quân hằng năm là 15,5%/năm, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho khoảng 9.048 lao động; đến nay 100% xã có điện lưới đến trung tâm, tăng 20,7% so với năm 2003; trên 121 nghìn hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt 93,45%, tăng 30,25 % so với năm 2003. Giải quyết các chính sách giảm nghèo cho trên 177 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm. Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nhiều công trình dự án quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh được đưa vào sử dụng, chất lượng các tiêu chí đô thị, xây dựng nông thôn mới được nâng cao…

Cơ sở hạ tầng khang trang từ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM

Các lĩnh vực về thương mại, công tác xúc tiến thương mại, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và khoa học công nghệ, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân … đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Đến năm 2022, toàn tỉnh có 06 siêu thị kinh doanh tổng hợp (năm 2002 chưa có siêu thị), có 13.942 cơ sở kinh doanh thương mại, tăng 2,67 lần so với năm 2003. Hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm việc tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại, chủ trì tổ chức phiên đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tại các xã trên địa bàn tỉnh; tìm kiếm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp và người dân địa phương. Phát huy vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, 100% xã, phường, thị trấn thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; duy trì bảo tổn 214 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đố có 98 di tích đã được xếp hạng, 2 bảo vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Chú trọng thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân sĩ, trí thức dân tộc thiểu số.

Để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng những định hướng, chính sách, giải pháp đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân; giai cấp công nhân; giai cấp nông dân; đội ngũ tri thức; thanh niên; phụ nữ; cựu chiến; người cao tuổi; các nhà doanh nghiệp, các dân tộc thiểu số; đồng bào tôn giáo; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bằng những việc làm cụ thể như: Hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19; ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ; chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 08/01/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Cựu Chiến binh trong giai đoạn cách mạng mới; quan tâm tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh thiếu nhi học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh tích cực, chủ động, sáng tạo, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Chú  trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác người cao tuổi và Hội người cao tuổi. Nhân dân được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính quyền các cấp đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện tốt các chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh và lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà cho người có uy tín trong cộng đồng tại Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở tổ dân phố 4 (Nguyên Bình)

Việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc được chú trọng. Ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức được gần 40 nghìn cuộc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho hơn 2,1 triệu người; từ 2014 đến nay Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi và tặng 8.668 suất quà trị giá 3,1 tỷ cho người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán, tổ chức 36 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho gần 4 nghìn người uy tín, 170 cuộc thông tin thời sự với hơn 18 nghìn người có uy tín tham dự… Công tác đa dạng hóa tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân thông qua các hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11 hằng năm) được quan tâm và tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Các hộ dân nghèo huyện Hà Quảng nhận bò giống từ chương trình “Chung tay vì cộng đồng” (Ảnh theo baocaobang.vn)

Công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước được cụ thể hóa bằng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Vì người nghèo”. Đến nay tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 85%; làng xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa 57%; toàn tỉnh vận động, xã hội hóa gần 35 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 17 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 11 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 64 xã đạt 10-14 tiêu chí; 47 xã đạt 7-9 tiêu chí. Huy động được trên 142 tỷ cho Quỹ vì người nghèo, xây dựng và sửa chữ được 11.148 nhà; tặng 80.201 suất quà Tết cho người nghèo; hỗ trợ 8.359 lượt hộ nghèo phát triển sản xuất; thực hiện xã hội hóa chăm sóc người có công, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Chú trọng thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, nhất là đối với các tổ chức cơ sở đảng ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm; Toàn Đảng bộ tỉnh hiện có 15 đảng bộ trực thuộc; có 580 tổ chức cơ sở đảng; 100% xóm, tổ dân phố có đảng viên và chi bộ Đảng.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện như: công tác triển khai, thực hiện các chính sách dân tộc ở một số địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ; đầu tư phát triển kinh tế nông thôn một số nơi dàn trải; các mục tiêu định canh, định cư thực hiện chưa đồng bộ; kết quả xóa đói, giảm nghèo thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ trẻ được đến trường học đúng độ tuổi ở vùng sâu, vùng xa còn thấp; công tác đào tạo, sử dụng, bố trí đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiể số ít người còn hạn chế; nhiều địa phương còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tập quán canh tác trong một số vùng đồng bào dân tộc ít người còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ khó khăn…

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh gắn với việc thực hiện các quan điểm, nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chương trình số 22-CTr/TU, ngày 28/5/2003 của Tỉnh ủy; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về công tác dân tộc, tôn giáo. Tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm củng cố tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng điểm mô hình xã, bản nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch; Chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc; Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ dân tộc ở cơ sở, công tác phát triển đảng viên người dân tộc. Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các vấn đề xã hội, dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường quản lý công tác tôn giáo. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; củng cố xây dựng tổ chức vững mạnh. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc trong thời gian tới.

Có thể nói, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của BCH Trung ương (khoá IX) về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của Nghị quyết, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong trong cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân; tạo sự đồng thuận, thống nhất hành động trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương./.

 

 Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1