Để có một thai kỳ khỏe mạnh phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ
Lượt xem: 179

Thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi. Cùng với đó, sức khỏe của thai phụ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này. Do đó, để có một thai kỳ khỏe mạnh, người phụ nữ cần khám thai định kỳ, theo dõi sức khỏe, góp phần phát hiện, can thiệp sớm những bất thường, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ. Ảnh: Trọng Thụ

Khám thai định kỳ giúp thai phụ phát hiện và xử lý những bệnh lý có nguy cơ mắc phải trong suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ Y tế thực hiện năm 2017 cho thấy, Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước sinh (khám thai ít nhất 04 lần) thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc (16%, tỷ lệ chung toàn quốc  74%). Tỷ lệ sinh con tại cơ sở y tế (CSYT) giữa những phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia trong nghiên cứu thấp hơn ước tính quốc gia (41% so với 94%). Tỷ lệ các ca đẻ có sự hỗ trợ của cán bộ y tế có trình độ chuyên môn thấp hơn so với ước tính quốc gia (49% so với 94%). Tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia nghiên cứu được chăm sóc đầy đủ các nội dung trước khi sinh (ví dụ: đo huyết áp, xét nghiệm máu và nước tiểu) thấp hơn ước tính quốc gia (18% so với 56%).

Cũng theo nghiên cứu nêu trên, tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con tại nhà ở các tỉnh miền núi phía Bắc rất cao, chiếm khoảng 40 - 60% tổng số các ca đẻ.

Theo quy định của Bộ Y tế, trong một thai kỳ, thai phụ phải được khám thai ít nhất 4 lần, vào các mốc quan trọng: lần 1 ngay sau khi biết mình có thai, trong vòng 3 tháng đầu để được quản lý thai, kiểm tra sức khỏe mẹ, được hướng dẫn về các dấu hiệu bất thường và cách xử trí, được tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh: phát hiện bất thường ở thai nhi và trẻ sơ sinh, tư vấn về các xét nghiệm cần thiết, dự kiến ngày sinh; lần 2 vào 3 tháng giữa để kiểm tra xem thai có phát triển bình thường không, kiểm tra sức khỏe mẹ, làm các xét nghiệm và cung cấp dịch vụ cần thiết; lần 3 và lần 4 vào 3 tháng cuối để được tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai, sức khỏe của mẹ, được tư vấn về các vấn đề cần thiết liên quan đến cuộc đẻ, tư vấn chuẩn bị cho cuộc đẻ. Ngoài 3 lần khám trên, thai phụ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường, như đau bụng, ra máu, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt... Đối với những sản phụ mang thai lần đầu và lần đầu đi khám thai thì tất cả những bước này rất quan trọng để đánh giá sức khỏe thai phụ, đánh giá những yếu tố nguy cơ, phát hiện kịp thời những bất thường, từ đó có chế độ dinh dưỡng, bổ sung thuốc hợp lý.

Cùng với khám thai định kỳ, thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra ở các mốc quan trọng, thai phụ cần tuân theo các tư vấn của bác sĩ sản khoa về dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất. Bởi nếu tự ý bổ sung các khoáng chất, vitamin và bổ sung không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Bên cạnh đó, sản phụ cần thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong suốt quá trình mang thai cũng như trong quá trình nuôi con nhỏ. Đặc biệt phụ nữ mang thai cần sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn tính mạng cho cả mẹ và con.

 

Bảo An

 
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập