Các dấu hiệu khi trẻ nhiễm vi rút Adeno cần nhập viện ngay
Lượt xem: 159

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh vi rút Adeno dương tính phát hiện tại đây tăng cao. Tổng số ca nhiễm vi rút Adeno ghi nhận trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong.

Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21/9/2022, tổng số ca bệnh vi rút Adeno phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc vi rút Adeno nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.

Tại Cao Bằng, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật từ đầu năm đến nay đã phát hiện 296 trường hợp mắc bệnh do vi rút Adeno, trong đó Bảo Lạc 219 trường hợp, Thành phố Cao Bằng 62 trường hợp, Hà Quảng 10 trường hợp, Hoà An 5 trường hợp.

Vi rút Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Vi rút Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi). Trong đó, trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm vi rút do sức đề kháng kém.

Biểu hiện của trẻ khi bị nhiễm vi rút Adeno:

Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có có biểu hiện này thì xuất hiện tình trạng khó thở.

Khi trẻ nhiễm vi rút Adeno chủ yếu điều trị triệu chứng là chính, tuyệt đối không lạm dụng kháng sinh, kháng vi rút và chống viêm (Corticoid).

Trẻ bị nhiễm vi rút Adeno cần nhập viện điều trị khi có một trong các triệu trứng sau: Khó thở, thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản; suy hô hấp hoặc giảm oxy máu (tím, SpO2 < 94%); nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng; có bệnh nền nặng (bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng...; tổn thương trên X-quang phổi như tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi... 

Để phòng tránh mắc bệnh cho trẻ, cha mẹ lưu sử dụng khăn mặt riêng, tránh dùng chung và thường xuyên vệ sinh khăn mặt bằng xà phòng, phơi chỗ thoáng mát, khô ráo; vệ sinh họng sạch sẽ bằng cách thường xuyên súc miệng nước muối (sau khi đi học về); nước sinh hoạt trong gia đình phải đảm bảo là nguồn nước sạch đã được khử trùng an toàn; vệ sinh tay nắm cửa phòng, nhà vệ sinh… Hạn chế đi bơi khi có dịch ở lớp; tăng hoạt động ngoài trời. Cha mẹ cho con tiêm phòng phế cầu và tiêm đủ mũi các đợt tiêm chủng của bé.

Khi trẻ bị sốt, ho thì không nên cho uống thuốc kháng sinh vì không có tác dụng diệt vi rút, chỉ dùng khi có sự bội nhiễm và theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt không giảm hoặc trẻ mệt, ho nhiều, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

 

Bảo An

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập