Chế độ dinh dưỡng cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà
Lượt xem: 86
Những ngày gần đây số ca mắc mới COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng liên tục gia tăng. Ngoài việc điều trị tại nhà, người mắc COVID-19 cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để mau hồi phục.

Hình minh hoạ

Dinh dưỡng hợp lý và đủ nước là điều quan trọng để giúp kiểm soát các triệu chứng. Một chế độ ăn uống cân bằng có thể tối ưu hóa chức năng của hệ thống miễn dịch, cải thiện sự trao đổi chất và có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng mạn tính liên quan đến COVID-19.

Theo đó, mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm như sau: Ngũ cốc, khoai củ; thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ; dầu mỡ; rau xanh và quả chín. Đồng thời, cần cung cấp đủ protein, vitamin và chất khoáng để giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.

Không được bỏ bữa, kiêng khem nếu không bị dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên của bác sĩ. Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt, muối, mỡ động vật, phủ tạng động vật. Cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày), nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả. Người bệnh có sốt nên uống Orezol để bù nước và điện giải. Hạn chế sử dụng nước ngọt, đồ uống có cồn. Người có thể trạng gầy, trẻ em nên bổ sung các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và sản phẩm từ sữa để nhanh hồi phục sức khỏe, hạn chế nguy cơ diễn tiến nặng.

Bệnh nhân mắc COVID-19 cần có chế độ ăn giàu protein để cung cấp đủ lượng protein để ngăn ngừa mất cơ và duy trì các chức năng trao đổi chất. Mất cơ có thể dẫn đến suy nhược, mệt mỏi và không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày. Thiếu hụt protein cũng có liên quan đến chức năng hệ thống miễn dịch bị suy giảm và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và dẫn đến thời gian phục hồi kéo dài.

Tránh ăn quá nhiều chất béo và chọn các phương pháp nấu ăn cần ít hoặc không có chất béo như hấp, nướng, luộc... Chọn thực phẩm có chứa nguồn chất béo không bão hòa lành mạnh như cá và các loại hạt. Giảm lượng tiêu thụ đối với các loại thực phẩm như: thịt đỏ và thịt béo, bơ và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo, dầu cọ và mỡ lợn.

Nên ăn nhiều hoa quả và rau: Vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có trong hoa quả và rau củ nhiều màu sắc giúp phục hồi nhanh chóng. Cố gắng bao gồm ít nhất 5 - 6 phần hoa quả và rau trong bữa ăn hàng ngày.

Bổ sung men vi sinh: Nghiên cứu gần đây cho thấy men vi sinh có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Các vi khuẩn lành mạnh có trong men vi sinh sẽ giúp đường ruột chống lại vi trùng gây bệnh. Các thực phẩm chứa nhiều men vi sinh như: Sữa chua, dưa chua, kim chi…

Tăng cường Vitamin C: Vitamin C bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm trùng bằng cách kích thích sự hình thành các kháng thể và tăng cường khả năng miễn dịch. Là một chất chống oxy hóa, Vitamin C chống lại các gốc tự do có trong cơ thể. Bổ sung nhiều vitamin C hơn trong chế độ ăn uống của bạn với các loại hoa quả và thực phẩm như: cam, bưởi và quýt, hoặc ớt chuông đỏ, đu đủ, dâu tây, cà chua, ổi, rau cải xanh…

Tăng cường thực phẩm giàu kẽm: Bổ sung đủ kẽm rất quan trọng cho chức năng của hệ thống miễn dịch và có thể giúp vết thương mau lành. Kẽm có nhiều trong các loại thịt gia cầm, động vật có vỏ và hải sản như hàu, sò, thịt bò, cua ghẹ, lòng đỏ trứng…

Bổ sung selen: selen có vai trò là chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng. Selen có nhiều trong gạo lức, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, cá, tôm, rong biển…

Uống đủ lượng nước cần thiết để bù đắp lượng chất lỏng bị mất và chất bài tiết loãng ở đường hô hấp. Nếu dịch tiết đường hô hấp không được làm loãng có thể dẫn đến viêm phổi. Tránh uống quá nhiều trà/cà phê vì cà phê có xu hướng làm tăng nhịp tim và mất nước.

Tăng cường miễn dịch bằng một số thảo dược quen thuộc: Rất nhiều loại thảo mộc và gia vị có thể được sử dụng trong giai đoạn này do chúng có khả năng chống viêm, chống oxy hóa và kháng vi rút. Các loại gia vị như: quế, gừng khô, tỏi và hạt tiêu đen để tăng cường khả năng miễn dịch. Các loại thảo mộc như: bạc hà, húng quế… giúp chống oxy hóa, cải thiện vị giác, tiêu hóa và miễn dịch.

Dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng đối với sức khỏe, là một cách để tăng cường hệ thống miễn dịch, đặc biệt là trong những thời điểm mà hệ thống miễn dịch cần nhiều năng lượng. Người mắc COVID-19 không có triệu chứng hay có triệu chứng, kèm theo có bệnh lý nền cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng chuyên biệt theo từng đối tượng giúp tăng cường sức đề kháng, mau chóng phục hồi, đề phòng cơ thể suy kiệt dẫn tới suy dinh dưỡng, thậm chí có thể tử vong.

Ngoài chế độ dinh dưỡng tốt, cần tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe, với môi trường, các hoạt động thể lực như: tập thở, đi bộ hoặc chạy tại chỗ, phẩy tay, tập yoga… thời gian khoảng 45-60 phút/ngày, với tần suất khoảng 2 lần/ngày.

 

Mai Hoa 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập