Những điều cần biết về bệnh tim mạch và cách phòng tránh
Lượt xem: 103
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi mạng sống của khoảng 17,5 triệu người. Theo thống kê, tử vong do bệnh lý tim mạch cao gấp 4 lần tổng tử vong do 3 loại bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. 

Đo kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi tại Trạm Y tế xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng. Ảnh: Ngọc Anh

Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển với mô hình bệnh tim mạch phức tạp như: bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam cho thấy, các bệnh lý về tim mạch đã cướp đi khoảng 200.000 sinh mạng người mỗi năm và cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều ở mức báo động. Gánh nặng bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, cho gia đình và cho toàn xã hội.

Nguyên nhân gây các bệnh lý về tim mạch:

Bệnh tim mạch không loại trừ bất kì ai và thật sự là một mối hiểm họa cho sức khỏe của cộng đồng. Trong cuộc sống có nhiều yếu tố được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ gây bệnh:

Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng sự kết dính tế bào máu, tăng chứng loạn nhịp tim; giảm sự luân chuyển ôxy. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên gấp 2-3 lần. Những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc cao là: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ…

Ít hoạt động thể lực: Lười hoạt động thể lực làm tăng khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành…

Thừa cân: những người thừa cân béo phì rất dễ bị rối loạn chuyển hóa,đây là nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch gây đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, suy tim.

Căng thẳng (stress): Các căng thẳng trong cuộc sống, các stress tâm lý đều được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Tăng Cholesterol máu: Tăng Cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, nó là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh Tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới…

Tăng huyết áp: Huyết áp tăng cao khiến tim làm việc nhiều hơn mức bình thường, các sợi cơ tim dày lên theo thời gian, làm thay đổi cấu trúc của các buồng tim, làm giảm tính đàn hồi của mạch máu và tăng khả năng tích tụ Cholesterol tại động mạch vành. Từ đó, chức năng tim và hệ thống dẫn truyền của tim gặp phải hàng loạt rối loạn gây ra những cơn đau tim thường xuyên, nguy cơ loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết,…

Đái tháo đường: Bệnh Đái tháo đường làm cho quá trình xơ vữa mạch máu xảy ra sớm hơn và tiến triển nặng hơn. Vì vậy, người bị bệnh Đái tháo đường sẽ có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch cao hơn so với người không bị Đái tháo đường gấp 2 đến 4 lần.

Yếu tố gia đình: những người có người thân gia đình từng bị bệnh tim trước tuổi 55 sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

Tuổi: sau tuổi 55 nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bị đột quỵ sẽ tăng gấp đôi qua mỗi thập kỉ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh nhân tăng huyết áp và tim mạch ngày càng trẻ hóa với không ít người bệnh đang trong độ tuổi lao động.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

Khó thở, đặc biệt là khi nằm xuống: Cảm giác hết hơi không thở được khi ngồi nghỉ hoặc khi gắng sức nhẹ có thể là biểu hiện của bệnh phổi như: suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên khó thở cũng là triệu chứng của nhồi máu cơ tim, suy tim.

Cảm giác nặng trong ngực hoặc tức ngực: Người bệnh có cảm giác đau thắt ngực ở khu vực dưới xương ức, phía trước, cơn đau thường kéo dài 10 phút và hay lặp lại.

Hiện tượng phù: do lượng máu ra khỏi tim chậm, máu trở về tim qua tĩnh mạch bị ứ lại, khiến dịch tích tụ tại các mô. Các biểu hiện khác xuất hiện cùng với phù là chán ăn và tăng cân.

Cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức: thường cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức, thậm chí mệt mỏi cả sau khi ngủ dậy do các bộ phận trong cơ thể không nhận được đủ oxy cần thiết do tim bị suy giảm chức năng co bóp.

Ho dai dẳng hoặc khò khè: do chức năng bơm máu của tim không đủ cung cấp cho cơ thể, máu bị ứ lại ở nhiều cơ quan như phổi sẽ gây ho mạn tính, thở khò khè, nếu ứ dịch ở gan, ruột gây chán ăn, buồn nôn…Ho do bệnh tim thường ho khan hoặc có thể có đờm trắng hoặc chất nhầy đặc.

Mạch nhanh hoặc không đều: Nếu thỉnh thoảng tim đập nhanh như đang nhảy dây rồi trở về bình thường thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, nếu mạch nhanh hoặc không đều kéo dài hoặc kèm theo yếu cơ, chóng mặt, khó thở… thì có thể là biểu hiện của nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim.

Phần lớn các yếu tố nguy cơ tim mạch đều có thể kiểm soát tốt. Để phòng tránh bệnh tim mạch, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã đưa ra 10 lời khuyên sau đây:

1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.

2. Hạn chế uống rượu, bia:  vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên.

3. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

4. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.

5. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.

6. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn.

7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở.

8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.

9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.

10. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).

Trái tim khỏe mạnh là điều kiện tất yếu giúp chúng ta có thể có được một cuộc sống có chất lượng cao và đảm bảo được những hoạt động sống cần thiết. Chính vì vậy, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh, khoa học, giữ huyết áp ổn định giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng bệnh tim mạch tốt hơn.

                                                                                                     Mai Hoa

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập