Thực hiện bình đẳng trong các gia đình, “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”
Lượt xem: 78
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội. Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. 

Tranh minh hoạ (Trọng Thụ)

Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia cam kết thực hiện là bằng chứng rõ nét chứng tỏ phát triển kinh tế phải gắn liền với bình đẳng giới và đảm bảo tiến bộ xã hội.

Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới do Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007. Bên cạnh đó, ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020. Với mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ. Theo điều tra của LHQ, tại Việt Nam, 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực tại một số thời điểm trong đời. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái.

Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của tỉnh. Do đó, chúng ta phải ngăn chặn bạo lực trong gia đình, tại trường học, nơi công cộng và nơi làm việc trước khi xảy ra; thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới. Trước hết, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương cần thực hiện đồng bộ lồng ghép hiệu quả công tác bình đẳng giới với các chương trình mục tiêu khác, đưa các nội dung của công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị, địa phương. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới ở các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh và khuyến khích hơn nữa nam giới tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Tranh Minh Hoạ (Trọng Thụ)

Chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 là “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12 trên phạm vi cả nước, nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động tham gia hành động của các cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, cho cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng, ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Để đẩy mạnh việc thực hiện bình đẳng trong các gia đình, “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Chúng ta cần thực hiện tốt những thông điệp tuyên truyền sau:

1. Bình đẳng giới là chìa khoá để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

2. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

3. Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

4. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

5. Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

6. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại.

7. Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

8. Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.

9. Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

10. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc cản trở sự tham gia của phụ nữ trong lao động.

11. Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục.

12. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với với phụ nữ và trẻ em.

13. Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!

Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi gia đình và toàn xã hội, mỗi chúng ta hãy tự nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, hãy tự tìm hiểu và học những cách ứng xử gia đình để biết cách giải quyết những vướng mắc, các mối quan hệ trong gia đình một cách tốt đẹp nhất, hãy tự biết bảo vệ bản thân khi có bạo lực xảy ra, có như vậy chất lượng cuộc sống mới được nâng lên từ nền móng một gia đình yên ấm. Lên án mạnh mẽ những hành vi bạo hành gia đình. Vì mục tiêu xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, hãy chung tay ngăn chặn và đẩy lùi bạo hành gia đình, đưa thông điệp “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” là phương châm hành động của mỗi chúng ta nhằm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

Mai Hoa

 

Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập