Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế
Lượt xem: 639
Ngày 31/12/2015 Liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế. Thông tư này thay thế Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành quy chế quản lý chất thải y tế. Thông tư 58 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016.
Thông tư quy định việc phân định chất thải y tế, bao gồm: chất thải lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm và chất thải y tế thông thường.
Chất thải lây nhiễm bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn và chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao:
+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn là chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm: kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác.
+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn là chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể, các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.
+ Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên.
+ Chất thải giải phẫu bao gồm: Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm.
Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm: Hóa chất thải bỏ có các thành phần nguy hại, dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng
Chất thải y tế thông thường là chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người và chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế…

Bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế

Bao bì (túi), dụng cụ (thùng, hộp, can), thiết bị lưu chứa chất thải y tế phải bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm và có kích thước phù hợp với lượng chất thải lưu chứa.
Hộp đựng chất thải sắc nhọn phải có thành, đáy cứng không bị xuyên thủng và có thể tái sử dụng theo đúng mục đích lưu chứa sau khi đã được làm sạch và để khô.

Nguyên tắc phân loại chất thải y tế

Thông tư quy định cụ thể việc quản lý chất thải y tế từ khâu phát sinh đến khâu xử lý chất thải và các mô hình xử lý chất thải y tế phù hợp. Theo đó chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh; Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa. Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và không phục vụ mục đích tái chế phải được thu gom riêng.
Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.
Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế…Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom.
Chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quản lý như chất thải y tế thông thường; bao bì lưu chứa chất thải phải được buộc kín và có biểu tượng chất thải tái chế.
Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Chất thải có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ hay phát tán hơi thủy ngân ra môi trường.
Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế thực hiện thống nhất theo quy định và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: có thành cứng, không bị bục vỡ, rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải; có biểu tượng loại chất thải lưu giữ; dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật; dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa và có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn. Trường hợp lưu chứa hóa chất thải ở dạng lỏng phải có nắp đậy kín để chống bay hơi và tràn đổ chất thải.

Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm

Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 2 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 7 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 3 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín. Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm hoặc mô hình tập trung, phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 2 ngày.
Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.

Sự khác nhau giữa Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT và Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế

Trong phân định chất thải y tế có sự khác nhau giữa quy định tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế và Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành quy chế quản lý chất thải y tế. Thông tư 58 quy định, các chất thải sắc nhọn phát sinh trong cơ sở y tế không có các yếu tố lây nhiễm hoặc nguy hại được quản lý như chất thải thông thường. Đối với các loại dược phẩm thải bỏ không thuộc nhóm thuốc gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất được quản lý như chất thải thông thường. Tuy nhiên, theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, các chất thải sắc nhọn phát sinh trong cơ sở y tế có yếu tố lây nhiễm và không lây nhiễ, các loại dược phẩm quá hạn sử dụng khi thải bỏ đều được quản lý như chất thải nguy hại.
Quy định về bao bì, dụng cụ, thiết bị trong phân loại, thu gom và lưu giữ chất thải y tế tại Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT cũng đã khắc phục được những tồn tại, bất cập trong Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT. Cụ thể Thông tư 58 chỉ quy định về các yêu cầu đảm bảo an toàn trong phân loại, thu gom và lưu giữ chất thải y tế, không quy định về độ dầy của túi hay vạch 3/4 trên các bao bì, dụng cụ phân loại, thu gom và lưu giữ chất thải y tế như Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT.
Việc phân loại chất thải y tế quy định tại Điều 6 của Thông tư 58 đã khắc phục những bất cập tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, cụ thể là các loại chất thải y tế nguy hại khác nhau nhưng không có tương tác, phản ứng với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý thì được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ hoặc thiết bị lưu chứa.
Đối với hoạt động thu gom chất thải y tế được quy định cụ thể tại Điều 7 của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Theo đó, các cơ sở quy mô nhỏ có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg/ngày được phép thu gom với tần suất tối thiểu là 1 tháng/lần đối với chất thải lây nhiễm sắc nhọn. Trong khi tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT, tần suất thu gom chất thải y tế ít nhất 1 lần/ngày.
Trong công tác lưu giữ chất thải, tại Điều 8 của Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT cũng đã có quy định cụ thể cho các loại chất thải khác nhau. Cụ thể, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm trong điều kiện bình thường là 2 ngày (riêng đối với cơ sở phát sinh dưới 5 kg/ngày, thời gian lưu giữ là 3 ngày).
Thông tin mới nhất
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập